Số 1A/140 Trần Duy Hưng street, Hà Nội 0989.082.938 treviettour@gmail.com
Tìm kiếm
Generic filters
Exact matches only

KINH NGHIỆM DU LỊCH PÙ LUÔNG – ĐI TÌM NÀNG CÔNG CHÚA NGỦ TRONG RỪNG

Pù Luông Retreat

Trước giờ, nhắc đến Thanh Hóa, người ta chỉ biết đến bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến sầm uất, đặc sản nem chua trứ danh mà quên rằng tại vùng đất phía Tây xa xôi của tỉnh, nơi giáp biên giới Việt – Lào có một “nàng công chúa của đại ngàn” với vẻ đẹp huyền ảo. Đó là Pù Luông – mảnh đất đậm tình của núi rừng Tây Bắc mới là địa điểm du lịch mới của giới trẻ.

  1. PÙ LUÔNG Ở ĐÂU?

Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 130km về phía tây bắc. Cách thị trấn Cành Nàng 20km và cách Hà Nội khoảng 170km theo hướng Tây Bắc. Pù Luông có diện tích hơn 17.600ha cùng hệ động thực vật phong phú, với vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới, lại trộn lẫn thêm nét văn hoá phong phú của dân tộc Mường & Thái đặc trưng, nơi đây là một trong những điểm du lịch Tây Bắc thu hút được rất nhiều bạn trẻ.

2. DI CHUYỂN ĐẾN PÙ LUÔNG NHƯ NÀO?

– Đi Pù Luông bằng xe khách

Nếu di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội, bạn có thể đón xe ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm hoặc Mỹ Đình đều được. Tuyến xe khách phổ biến để đi Pù Luông là Hà Nội – Bá Thước – Thanh Hóa với giá vé khoảng 120k/người.

Xe sẽ về đến thị trấn Cành Nàng (Bá Thước, Thanh Hóa) – Cách Pù Luông khoảng 20km . Sau đó bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm để di chuyển đến Pù Luông nhé.

– Di chuyển bằng xe máy, oto riêng.

Di chuyển xe máy cũng là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ thích phượt Pù Luông Thanh Hóa. Con đường xuyên suốt và chạy thẳng đến “thiên đường xanh” Pù Luông là đường 15C. Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thì hãy đi xe máy theo hướng Xuân Mai, Lương Sơn, Hòa Bình đến Bản Lác, Mai Châu. Đi khoảng 17km từ Mai Châu dọc theo đường 15A, bạn rẽ trái sang đường 15C rồi hãy hỏi người dân nơi đây hướng đi cụ thể đến Pù Luông.

Cung đường cho du khách đi từ Thanh Hóa và các tỉnh miền Trung, miền Nam: Các bạn hãy đi ngược lên Tây Bắc, men theo đường mòn Hồ Chí Minh rồi rẽ phải tại thị trấn Cẩm Thủy, đi thẳng đến thị trấn Cành Nàng. Cuối cùng rẽ sang đường 15C và đi khoảng 10km nữa là tới Pù Luông.

3. LƯU TRÚ TẠI PÙ LUÔNG?

Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng rậm nhiệt đới quan trọng của Việt Nam chính vì thế, Pù Luông không có khách sạn, hình thức lưu trú chủ yếu là homestay và nhà nghỉ bình dân. Có thể nói, Pù Luông chính là xứ sở của các kiểu nghỉ dưỡng homestay nên khách đến đây có rất nhiều lựa chọn và việc phục vụ khách rất chuyên nghiệp. Nơi tập trung nhiều homestay để du khách nghỉ ngơi nhất là chỗ bản Đôn, chỗ Pù Luông Retreat đi theo con dốc xuống tít dưới bản. 

4. ẨM THỰC PÙ LUÔNG

Việc ăn uống ở Pù Luông khá đơn giản, đa phần các món ăn ngon ở Pù Luông các bạn sẽ được thưởng thức ngay tại homestay nơi mình ở. Người dân sẽ chuẩn bị tất cả những món ăn này theo số lượng đoàn của bạn, các loại thịt cá được bày ra mâm trên những khay lá (cỗ lá), ăn kèm có thể là cơm hoặc xôi nếp. Ẩm thực Pù Luông sẽ mang những đặc trưng rõ nét của ẩm thực Thái với các món nướng, món đồ, với các loại gia vị mang nhiều hương vị núi rừng như: gà đồi, măng chua, canh rau ngót rừng, cơm lam, nộm hoa chuối rừng, vịt suối nướng, lợn rừng quay, rượu cần…

  • Lợn cỏ nướng: Lợn cỏ hay hay lợn cắp nách là vật nuôi đặc sản của người Mường. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi mổ lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước. Thịt được pha thành từng miếng, cùng lòng, dồi đem hấp trên bếp củi, phần xương đem nấu với nõn chuối rừng. Thịt ba chỉ thái chỉ, ướp hành, nước mắm rồi quấn lá bưởi bên ngoài, kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Lá bưởi quện vào thịt, dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, toả mùi thơm. Thịt lợn chín tới, thái lát mỏng bày trên lá chuối tươi xanh. Khi ăn, chấm với muối rang và hạt dổi nướng dã nhỏ.
  • Gà đồi: Gà được người dân nuôi thả tự nhiên, chạy rông và ăn thóc nên thịt gà ở Pù Luông sẽ rất thơm và ngọt.  Gà loại này đem luộc rồi ăn lúc còn nóng, chấm cùng các loại gia vị của người dân địa phương thì ngon tuyệt vời. Ngoài ra, cùng với cách tẩm ướp các gia vị truyền thống của người Thái, món gà nướng sẽ để lại những ấn tượng cho bất kỳ bạn nào đến Pù Luông.
  • Vịt Cổ Lũng: Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.

5. CÁC ĐỊA ĐIỂM KHÁM PHÁ HẤP DẪN

  • Bản Kho Mường: Đây là một trong những bản vùng cao, khó khăn nhất của xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nhưng lại có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Kho Mường là một thung lũng nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, ít chịu ảnh hưởng tác động của con người nên vẫn giữ được những nét rất hoang sơ, thơ mộng vốn có. Nhìn từ trên cao xuống, Kho Mường hiện ra với vẻ đẹp hút hồn, những ngôi nhà sàn nằm sát dưới chân núi bên những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn. Bao quanh bản là một màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Tất cả hiện lên như một bức tranh của chốn “bồng lai tiên cảnh”.
  • Hang Kho Mường: Hang Kho Mường là một trong số hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Những khối nhũ đá vôi được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước làm nên hang động này. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất với chiều dài khoảng 2,5 km về phía Bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn thuộc xã Lũng Cao. Hang Kho Mường còn là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, ít nhất có 4 loài dơi trú ngụ trong hang này ở các thời điểm khác nhau của năm. Càng đi sâu vào trong hang, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những khối đá, nhũ đá với những hình thù kì lạ như hình người, hình cây, mãnh thú… đủ các màu sắc khác nhau, mờ mờ ảo ảo, tất cả hiện lên vô cùng sống động và đặc sắc.
  • Bản Đôn: Bản Đôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, Bản Đôn có không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân bản địa, như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, rau bí, ngọn su su… đặc biệt là sự chân thành, mến khách của đồng bào địa phương.Bản Hiêu: là một bản người Thái nằm bên bờ suối Hiêu bắt nguồn từ trên đỉnh Pù Luông. Bản gồm hơn trăm nóc nhà nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối. Cứ mỗi khi có một ghềnh thác đẹp, những nóc nhà sàn lại dày hơn tạo nên một khung cảnh suối thác – nhà sàn đẹp như tranh thủy mặc. Cả khúc suối tính từ đầu bản đến cuối bản chỉ chừng gần cây số nhưng có tới 5 thác nước, thác nào cũng đẹp và chẳng thác nào giống thác nào.
  • Thác Hiêu: Đây là điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách nước ngoài ưa du lịch khám phá trong vài năm nay, cung đường dài 25 km từ thị trấn Cành Nàng đến làng Hiêu rất đẹp bởi hai bên là cánh đồng ruộng bậc thang nằm hai bên bờ suối. Qua khỏi cầu treo bằng gỗ là vào làng. Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên dòng nước đặc biệt trong xanh, nhưng cũng tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối. Nhiều lúc trời mưa to, dòng nước trắng xóa bột đá vôi. Chính đặc tính lạ này đã khiến những cây cối, đồ vật gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá.
  • Thác Muốn: Thác Muốn nằm ở độ cao 500 m so với mực nước biển, khởi đầu từ trong các khe núi đá trên đỉnh núi Muốn có độ cao hơn 300m chảy vào lòng một thung lũng rộng vài ha, rồi từ đó đổ xuống sườn núi tạo thành nhiều tầng thác liên hoàn kế tiếp nhau như hình bậc thang. Trườn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp khác nhau với chỉ toàn đá, nước và cây rừng trùm kín, dòng suối đổ ra sông Đại Lạn nhập vào dòng Mã giang hùng vĩ. Điều đặc biệt thú vị khi du khách đến với Thác Mơ là có thể trèo lên 43 tầng thác mà không cần phải bỏ dép bởi loại đá ở đây là đá cát (giống như đá mài), mòn nhẵn nhưng không hề trơn, đổ ra biển rộng.
  • Đỉnh núi Pù Luông: Đây là một trong những đỉnh núi mà dân trekking ở Việt Nam thường chọn để chinh phục. Đỉnh cao 1700m và mất khoảng 6-8 tiếng trong điều kiện thời tiết tốt để có thể lên đến đỉnh. Các bạn có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm, hôm sau có thể xuống núi.

6. ĐI PÙ LUÔNG MÙA NÀO PHÙ HỢP NHẤT?

Thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6 là lúc bắt đầu vụ lúa mới. Lúc này, những thửa ruộng bậc thang khoác lên mình một lớp áo xanh mướt đem đến cho bạn cảm giác vô cùng bình yên, đẹp mắt.

Còn thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 là lúc Pù Luông bước vào mùa lúa chín đẹp nhất. Tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi chuyển sang một màu vàng rực rỡ khiến cho mảnh đất này mang một vẻ đẹp trù phú, mộng mơ.

7. MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐI PÙ LUÔNG

  • Nhiệt độ tại Pù Luông luôn thấp hơn so với một số khu vực lân cận nên các bạn nhớ chuẩn bị đồ giữ ấm phòng khi mưa lạnh hoặc tham gia các hoạt động buổi tối.
  • Nên mang theo giày đi bộ, thể thao hoặc giày vải, đế mềm, ma sát tốt
  • Mang thêm quần áo nếu đi tắm thác ở bản Hiêu
  • Mang theo thuốc men, kem chống nắng, đặc biệt là thuốc chống côn trùng
  • Chủ động mang theo một số đồ ăn vặt như: bánh ngọt, sữa hộp, nước lọc… nếu trekking

Leave a Reply